XỬ LÝ ĐẢNG VIÊN KHI TẢO HÔN Câu hỏi của bạn: Chi bộ tôi có sự việc xảy ra là: Có đảng viên nam lấy vợ không đi đăng ký vì vợ chưa đến tuổi thành niên (tảo hôn). Từ trước đến nay chưa xảy ra nên chi bộ lúng túng trong việc […]
XỬ LÝ ĐẢNG VIÊN KHI TẢO HÔN
Câu hỏi của bạn:
Chi bộ tôi có sự việc xảy ra là: Có đảng viên nam lấy vợ không đi đăng ký vì vợ chưa đến tuổi thành niên (tảo hôn). Từ trước đến nay chưa xảy ra nên chi bộ lúng túng trong việc xử lý. Vậy đề nghị Luật sư hướng dẫn quy trình, thủ tục để xử lý nội dung trên. Trân trọng cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Quy định 102-QĐ/TW xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm
Quy định 30-QĐ/TW thi hành chương VII và chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng
Nội dung tư vấn về xử lý đảng viên khi tảo hôn
1. Tảo hôn là gì?
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Như vậy, theo như quy định trên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn. Vì vậy, bạn gái chưa đủ tuổi thành niên nên chưa đủ điều kiện để đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này, nếu các bên vẫn tiến hành việc kết hôn thì sẽ thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật (khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình).
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình thì “tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này”. Như vậy, có thể hiểu rằng tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi nữ chưa đủ 18 tuổi hoặc nam chưa đủ 20 tuổi.
Xử lý đảng viên khi tảo hôn
2. Quy trình xử lý đảng viên khi tảo hôn
Căn cứ vào khoản 4 Điều 2 Quy định 102-QĐ/TW thì đối với đảng viên chính thức có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị có 2 hình thức xử lý kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo.
Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng. Cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không để thôi giữ chức.
Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo và khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xóa tên trong danh sách đảng viên.
Ngoài ra, đối với trường hợp Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và:
Không xử lý nội bộ.
Bị Tòa tuyên án từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì bị khai trừ.
Bị Tòa tuyên án thấp hơn hình phạt cải tạo không giam giữ: tùy mức độ mà xử lý theo 3 hình thức còn lại.
Về quy trình xử lý kỷ luật Đảng viên, căn cứ Quy định 30-QĐ/TW có 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Đảng viên vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự hoặc bị xử lý hình sự với mức hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ (Điều 39 Quy định 30-QĐ/TW).
Bước 1: Đảng viên vi phạm thực hiệm kiểm điểm trước chi bộ và tự nhận hình thức kỷ luật.
* Đảng viên vi phạm được cấp ủy hướng dẫn thực hiện bản tự kiểm điểm.
* Sau khi thảo luận, góp ý và kết luận thì biểu quyết kỷ luật.
Bước 2: Trước khi quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền nghe Đảng viên vi phạm trình bày ý kiến.
Bước 3: Báo cáo Quyết định về kỷ luật lên cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp.
Nếu Đảng viên vi phạm tham gia nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng thì phải báo cáo đến các cơ quan lãnh đạo cấp trên mà đảng viên đó là thành viên.
Bước 4: Quyết định của cấp trên về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải được thông báo đến cấp dưới, nơi có tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Kỷ luật Đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.
Trường hợp 2: Đảng viên vi phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị Tòa án tuyên hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên (Điều 40 Quy định 30-QĐ/TW).
Bước 1: Chậm nhất 03 ngày làm việc sau khi cơ quan có thẩm quyền bắt, khám xét khẩn cấp Đảng viên vi phạm, Thủ trưởng cơ quan đó phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đảng trực tiếp quản lý Đảng viên đó.
Bước 2: Xem xét kỷ luật Đảng viên vi phạm không nhất thiết chờ kết luận hoặc tuyên án của Tòa án. Sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với Đảng viên đó.
Áp dụng đối với Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam.
Ngoài ra cần lưu ý:
* Khai trừ Đảng hoặc xóa tên trong danh sách Đảng (đối với đảng viên dự bị), không phải theo quy trình thi hành kỷ luật đối với trường hợp bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên và sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
* Quyết định cho Đảng viên sinh hoạt trở lại và thực hiện xử lý kỷ luật theo đúng quy trình đối với trường hợp Đảng viên vi phạm bị tòa án tuyên phạt hình phạt thấp hơn hình phạt cải tạo không giam giữ và sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Tin liên quan