Mô hình cho doanh nghiệp của người nước ngoài

Date27/04/2018 | 14:24

Câu hỏi: Tôi là người nước ngoài, hiện nay muốn vào Việt Nam đầu tư bằng cách thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Tôi muốn hỏi tôi nên chọn mô hình nào khi muốn mở công ty? 

 

Trả lời:
1. Cơ sở pháp lý: 
Luật Doanh nghiệp 2020
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020, Việt Nam hiện nay có các loại hình doanh nghiệp như sau: 
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (một thành viên và hai thành viên trở lên)
- Công ty Cổ phần
- Công ty hợp danh
Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về các loại hình này cũng như biết được ưu nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp, chúng tôi xin phân tích cụ thể như sau:
Thứ nhất, về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ công ty (khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Ưu điểm:
+ Có tư cách pháp nhân nên doanh nghiệp được thừa nhận là một chủ thể pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập. 
+ Cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty do tổ chức làm chủ sở hữu còn có thể tổ chức theo mô hình Hội đồng thành viên (trong đó bầu ra một người làm Chủ tịch Hội đồng thành viên), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020).
+ Chủ sở hữu công ty có toàn quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty (Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2020).
+ Có thể tăng vốn điều lệ bằng cách góp thêm vốn của chủ sở hữu; huy động thêm vốn đầu tư của cá nhân, tổ chức khác (Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020) hoặc phát hành trái phiếu.
- Nhược điểm:
+ Không được quyền phát hành cổ phần nên sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Nếu muốn tăng hay giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn thì phải chuyển đổi loại hình.
+ Nếu có nhu cầu huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác, sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
 Thứ hai, về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Ưu điểm:
+ Có tư cách pháp nhân (khoản 2 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020) nên doanh nghiệp được thừa nhận là một chủ thể pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập.
+ Thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp công ty (Khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020) nên hạn chế được rủi ro của thành viên khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ Có thể tăng vốn điều lệ bằng cách tăng thêm vốn góp của thành viên; tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới (khoản 1 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020) hoặc phát hành trái phiếu (khoản 4 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020).
+ Chế độ chuyển nhượng (Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020) và mua lại phần vốn góp (Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020) được quy định chặt chẽ nên nhà đầu tư có thể dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên. 
- Nhược điểm:
+ Số lượng thành viên bị hạn chế từ 02 đến 50 thành viên (khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020);
+  Việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ đều phải thông báo với cơ quan Đăng ký kinh doanh (khoản 4 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020).
+ Việc công ty TNHH 2 thành viên trở lên không được phát hành cổ phần (Khoản 3 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020) cũng là một hạn chế cho việc huy động vốn của doanh nghiệp.
Thứ ba, về công ty cổ phần: Là doanh nghiệp mà cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa (Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).
 - Ưu điểm:
+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (Điểm c Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020)
+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sáng lập trong 03 năm đầu thành lập công ty (Điểm d Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020) 
 + Có tư cách pháp nhân
 + Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty (Khoản 3 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020)
- Nhược điểm:
+ Cơ cấu tổ chức công ty phức tạp
+ Việc quản lý, điều hành công ty cổ phần cũng phức tạp hơn đặc biệt là chế độ tài chính, kế toán.
+ Đối với công ty cổ phần sẽ khó khăn hơn khi đưa ra một quyết định nào đó dù là về quản lý doanh nghiệp hay kinh doanh do phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, công khai báo cáo với các cổ đông… Vậy nên rất dễ bỏ qua những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thứ tư, về công ty hợp danh: là doanh nghiệp, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty (khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Ưu điểm:
+  Việc quản lý dễ dàng hơn các loại hình doanh nghiệp khác do có sự liên kết giữa các thành viên góp vốn.
+ Có tư cách pháp nhân (khoản 2 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020) nên công ty hợp danh được thừa nhận là một chủ thể pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập..
+ Công ty hợp danh là kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người. Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh. Công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh.
+ Ngân hàng dễ cho vay vốn và hoãn nợ hơn. Do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh.
- Nhược điểm:
+ Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn (điểm đ khoản 2 Điều 181 Luật Doanh nghiệp 2020) nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao.
+ Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào (khoản 3 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020). Do đó, việc huy động vốn của công ty sẽ bị hạn chế. Các thành viên sẽ tự bỏ thêm tài sản của mình hoặc tiếp nhận thêm thành viên mới.
+ Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại (khoản 1 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020).
+ Thành viên hợp danh rút khỏi công ty vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty hợp danh phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên trong thời hạn 02 năm (khoản 5 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020).
Trên đây là một số mô hình khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 097468619 hoặc qua email, wechat, zalo để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Hà Thị.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng.

 

Đội ngũ tư vấn của chúng tôi

Ls. Hà Ngọc Hạ
Ls. Hà Ngọc Hạ
Ls. Mai Đức Đông
Ls. Mai Đức Đông
Ls. Nguyễn Duy Hạnh
Ls. Nguyễn Duy Hạnh
Ls. Nguyễn Thành Đạt
Ls. Nguyễn Thành Đạt
Ls. Nguyễn Thị Yến
Ls. Nguyễn Thị Yến
Nguyễn Tiến Hoàng
Nguyễn Tiến Hoàng
Ý kiến phản hồi -
Tên của bạn
Điện thoại
Email
Địa chỉ